Trị vì Lưu Phần (Nam Hán)

Sau khi tức vị, Lưu Hoằng Độ đổi tên sang Lưu Phần. Ông bổ nhiệm Lưu Hoằng Hi làm phụ chính, cải nguyên Quang Thiên, tôn mẹ Triệu chiêu nghi là hoàng thái phi.[1]

Lưu Phần được thuật lại là sống xa xỉ, hoang dâm vô đạo, không quan tâm đến chính sự. Khi vẫn trong giai đoạn chờ mai táng Nam Hán Cao Tổ, Lưu Phần đã lệnh cho kép hát vào cung để mua vui. Ban ngày ông thường đi chơi nhạc, vui thú chè chén, thậm chí còn bắt nam nữ trong cung nhất loạt đều phải khỏa thân; ban đêm vi hành cùng xướng phụ, có khi còn xông vào nhà dân làm nhục phụ nữ. Do người trái ý ông thường bị xử tội chết, cho nên không ai dám can gián, duy có Lưu Hoằng Xương và Nội thường thị Ngô Hoài Ân (吳懷恩) thường can gián, song ông cũng không nghe theo. Theo tường thuật, ông cũng nghi kị chư đệ, mỗi khi tổ chức yến tiệc ông lại lệnh cho hoạn giả đứng giữ cửa, quần thần và tông thất đều bị khám xét rồi với được vào.

Do phụ thân lúc lâm chung từng có ý định lập Lưu Hoằng Xương lên kế vị nên từ khi lên ngôi, Lưu Phần càng đề phòng với ông ta. Ông chỉ tin tưởng người em thứ tư là Lưu Hoằng Hy. Lưu Hoằng Hy vốn cũng muốn đoạt vị, nên dâng thịnh sức, thanh kỹ để làm vui lòng Lưu Phần, nhằm khiến Lưu Phần thêm tin yêu mình. Do Lưu Phần thích đấu vật dùng tay, Lưu Hoằng Hi lệnh Chỉ huy sứ Trần Đạo Tường chiêu mộ năm lực sĩLưu Tư Triều (劉思潮), Đàm Lệnh Yên (譚令禋), Lâm Thiếu Cường (林少強), Lâm Thiếu Lương (林少良), và Hà Xương Đình (何昌廷) — tập đấu vật tại Tấn vương phủ, sau đó tặng lại cho anh trai. Lưu Phần thấy họ đều tinh thông quyền thuật thì vui thích, liền giữ lại trong cung làm thị vệ cho mình, cũng thường xuyên lệnh cho họ biểu diễn võ thuật cho mình xem.[1] Nhưng không ngờ rằng, chính thời điểm Lưu Phần lên ngôi kế vị, Hoằng Hy đã phối hợp với Lưu Hoằng Xương để đối phó với ông.

Tháng 7 năm 942, một cuộc nổi dậy lớn của nông dân nổi lên tại Tuần châu (循州, nay thuộc Huệ Châu, Quảng Đông) dưới sự lãnh đạo của nguyên huyện lại Bác La Trương Ngộ Hiền (張遇賢), Trương Ngộ Hiền được thuật là do "thần" tuyên bố là người lãnh đạo. Lưu Phần muốn nhân cơ hội này để trừ khử Lưu Hoằng Xương nên bổ nhiệm Lưu Hoằng Xương làm đô thống, Tuần vương Lưu Hoằng Cảo làm phó đô thống, đem quân thảo phạt quân Trương Ngộ Hiền, giao chiến ở Tiền Bạch quán. Quân Nam Hán bất lợi, hai thân vương bị bao vây song được Chỉ huy sứ Trần Đạo Tường (陳道庠) lực chiến cứu giúp nên thoát được, nhiều châu huyện phía đông của Nam Hán bị quân của Trương Ngộ Hiến chiếm.[1] Lưu Hoằng Xương sau đó biết được dụng ý của Lưu Phần khi sai mình đi dẹp loạn, liền giả vờ bị thương nặng nên được miễn xử tội chết. Vậy là âm mưu của Lưu Phần cũng không thực hiện được.

Ngày Bính Tuất (8) tháng 3 năm Quý Mão (15 tháng 4 năm 943),[1][2] Lưu Phần cùng các chư vương mở tiệc ở Trường Xuân cung và xem màn đấu vật của năm lực sỹ. Đến chiều tối thì bãi yến, Lưu Phần lúc này đã say rượu bí tỉ không biết gì. Lưu Hoằng Hy thấy thời cơ đã đến, sai Trần Đạo Tường và bọn Lưu Tư Triều dìu Lưu Phần về tẩm điện, nhân cơ hội dùng trượng giết ông, ngoài ra các cận thần của ông cũng bị giết tận. Năm đó Lưu Phân mới 24 tuổi. Hôm sau, bá quan chư vương không ai dám nhập cung, Lưu Hoằng Xương dẫn các hoàng đệ vào tẩm điện, nghênh Lưu Hoằng Hi tức hoàng đế vị.[1]